Blog công nghệ

Ram Macbook hiểu về cách hoạt động

18/10/2024
𝗠𝗲𝗺𝗼𝗿𝘆 (𝗥𝗔𝗠) 𝘁𝗿𝗲̂𝗻 𝗠𝗮𝗰
Thỉnh thoảng có bạn đăng đàn phát biểu một câu rất khét: bọn Macbook rất dở, mới mở có mấy tab trên Safari mà đã tràn bộ nhớ (tràn RAM). Phát biểu này không đúng tý nào, nhưng lại được rất nhiều người gật gù.

Nếu bị tràn bộ nhớ như thế, có phải đến lúc cần thay máy rồi không? Rất nhiều bạn hốt hoảng như vậy nên mình viết vội vài dòng cho những bạn chưa biết. Tràn bộ nhớ mà các bạn ấy đề cập ở đây là việc macOS sử dụng gần hết bộ nhớ mà máy Macbook có. Ví dụ: 7.8GB/8GB hoặc 15.7GB/16GB.

𝗡𝗴𝘂𝘆𝗲̂𝗻 𝗻𝗵𝗮̂𝗻
Đó là do cơ chế quản lý bộ nhớ của Mac khác với Windows mà ta thường thấy.

- 𝗧𝗿𝗲̂𝗻 𝗪𝗶𝗻𝗱𝗼𝘄𝘀: bạn chạy một phần mềm, hệ thống sẽ gọi từ ổ cứng (SSD/HDD) vào bộ nhớ (Memory), bạn dùng xong, nó ném ra, giải phóng bộ nhớ, lúc nào cần lại gọi vào từ ổ cứng. Windows lúc nào cũng lo lắng dọn dẹp bộ nhớ sao cho nó gọn gàng nhất có thể. Nên đến lúc Windows bị tràn bộ nhớ là đã thực sự tràn.

 

 

- 𝗧𝗿𝗲̂𝗻 𝗠𝗮𝗰: bạn chạy một phần mềm, hệ thống gọi từ ổ cứng (SSD/HDD) vào bộ nhớ (Memory), bạn dùng xong, thay vì ném ra và giải phóng bộ nhớ như bên Windows, nó xếp gọn sang một bên, nó tính toán khả năng bạn có thể dùng lại phần mềm này, điểm mấu chốt ở chỗ này, để sẵn trong bộ nhớ thì gọi lại sẽ nhanh hơn là gọi từ ổ cứng. Khi bạn chạy phần mềm mới, nó NÉN phần mềm trước đó và cất trong bộ nhớ. Bạn càng chạy song song nhiều phần mềm, nó nén càng mạnh, Áp suất bộ nhớ (Memory Presure) càng tăng.

Tạm thời chưa bàn đến cách quản lý bộ nhớ của Windows hay Mac cao minh hơn, nhưng qua đó anh em có thể thấy Mac có xu hướng sử dụng hết 100% bộ nhớ sẵn có trong mọi trường hợp. Thậm chí mới chạy vài app nhẹ hều mà nó đã có xu hướng dùng hết bộ nhớ của máy Mac. Đúng thôi, để không thì cũng chẳng làm gì, tội gì không xõa đi. Vì thế, nếu căn cứ bộ nhớ còn trống (Free Memory) để chuẩn xem máy Mac đã bị quá tải hay chưa là hoàn toàn bậy bạ (điều này lại khá đúng trên Windows).


 

 

Riêng vụ này thì thằng CleanMyMac báo cực kỳ vớ vẩn, gây hiểu nhầm cho người dùng, làm nhiều anh em quýnh lên, cảm giác như máy Mac sắp vứt đi đến nơi. Tất nhiên bọn CleanMyMac không phải không hiểu về kỹ thuật này, tụi nó cố tình cảnh báo thế là có nguyên nhân sâu xa đằng sau, nhưng kiếm tiền từ sự hoảng hốt của người dùng thì hơi bẩn chút.
𝗡𝗲́𝗻 𝗯𝗼̣̂ 𝗻𝗵𝗼̛́ (𝗖𝗼𝗺𝗽𝗿𝗲𝘀𝘀𝗲𝗱 𝗠𝗲𝗺𝗼𝗿𝘆): nếu chỉ nén hùng hục thế thì chẳng có gì phải bàn, bất kỳ OS nào cũng làm được, câu chuyện hay vẫn còn phía sau.


 


 

Mình ví dụ thế này: bạn mở đồng thời Safari và Word. Trong lúc bạn đang làm việc với Word, thì macOS bắt đầu âm thầm nén phần bộ nhớ của Safari, còn khi bạn chuyển sang Safari thì nó lại âm thầm nén phần bộ nhớ dành Word. Còn khi bạn mở nhiều hơn 2 phần mềm thì sao? Lúc đó macOS sẽ tính toán xem nén như thế nào có lợi nhất. Ví dụ bạn mở Word, Safari, Music. Bạn đang viết bài luận, xác suất bạn chuyển từ Safari (copy) rồi chuyển sang Word để (paste) sẽ cao hơn là từ Safari sang Music, dựa trên những tính toán logic đó, Music sẽ bị nén sâu, cất kỹ hơn Word một tầng, nhờ đó việc chuyển từ Safari sang Word sẽ trơn tru hơn. Hơn nữa, macOS còn có khả năng học thói quen sử dụng của bạn để kết hợp với những tính toán trên để đưa ra dự đoán với độ chính xác khủng khiếp. Trong lúc người dùng đang mải mê di chuột từ app nọ sang app kia, thì MacOS đằng sau thực hiện ngàn vạn tính toán để đưa ra quyết định với trí thông minh đáng kinh ngạc.

𝗚𝗶𝗼̛̀ 𝗯𝗮̀𝗻 đ𝗲̂́𝗻 𝗺𝗼̣̂𝘁 𝘃𝗮̀𝗶 𝗹𝗼̛̣𝗶 𝗶́𝗰𝗵 𝗸𝗵𝗮́𝗰 𝗰𝘂̉𝗮 𝗡𝗲́𝗻 𝗯𝗼̣̂ 𝗻𝗵𝗼̛́ (𝗖𝗼𝗺𝗽𝗿𝗲𝘀𝘀𝗲𝗱 𝗠𝗲𝗺𝗼𝗿𝘆)

(1). Khi Áp suất bộ nhớ (Memory Presure) tăng, nén lòi kèn ra rồi, không nén tiếp được nữa, thì một số app có xác suất dùng lại thấp nhất sẽ được chuyển dần ra Swap Memory (nằm trên ổ cứng). Khi đó các app đã được nén (ví dụ 10 lần) thay vì chuyển 10 đơn vị dữ liệu, ta chỉ phải chuyển 1 đơn bị, giảm tải 10 lần cho thông đạo từ Memory ra ổ cứng (BUS)

(2). Với trường hợp ổ SSD thì còn thú vị hơn, thay vì ghi 10 đơn vị dữ liệu, nhờ có nén bộ nhớ, nay nó chỉ cần ghi 1 đơn bị, vậy là số lượng dữ liệu cần ghi ít đi 10 lần, ổ SSD sẽ bền hơn gấp 10 lần, anh em dùng Mac sẽ không lo vì SSD làm Swap Memory mà sớm bị khấu hao hết (tin đồn này lan tỏa rất kinh trong cộng đồng Mac)

Nén bộ nhớ (Compressed Memory) là một cái gì đó mang đậm màu sắc Apple, các hãng khác không có hoặc có thì cũng chỉ là hàng nhái kém phẩm chất, thiếu đi cái hồn, cái khôn ngoan như mình phân tích bên trên. Vì thế nén bộ nhớ không chỉ có trên macOS mà còn có trên iPhone/iPad. Do đó, iPhone thường có Bộ nhớ trong ít hơn so với điện thoại khác cùng thế hệ, nhưng mượt không kém. Nhận định này là có cơ sở nhưng nếu mang Samsung Club mà tranh luận thì sẽ bị liệt thành Fan Ngáo

 

 
𝗤&𝗔
Q: Vậy làm sao để biết máy Mac bị quá tải, cần nâng cấp?
A: À, lúc đó phải căn cứ vào Áp suất bộ nhớ (Memory Presure) mới chính xác. Như hình bên dưới, màu xanh có nghĩa là bộ nhớ còn thừa thãi, màu vàng là ở mức cảnh báo, còn màu đỏ có nghĩa là bộ nhớ đang được nén hết công suất. Lưu ý: rất nhiều bạn kêu máy em quá tải rồi, cần nâng cấp rồi, đến lúc gửi hình thì thấy xanh rì. Những trường hợp như thế mà nâng cấp thì dẫn đến lãng phí kinh người, vì Macbook đâu có rẻ??
Q: Nếu Áp suất bộ nhớ (Memory Presure) ở mức đỏ kéo dài thì cần nâng cấp?
A: Chưa chắc, trước phải loại trừ hết các lỗi phần mềm. Bạn nên đóng bớt app, loại trừ có 1 trong các app đó có lỗi, chiếm dụng bộ nhớ bất thường, khởi động lại máy, nếu cần reset lại máy (cài lại macOS) để loại trừ macOS bị lỗi. Sau các bước xử lý này rồi mà Áp suất bộ nhớ (Memory Presure) vẫn đỏ kéo dài thì chứng tỏ yêu cầu của các ứng dụng bạn mà đang dùng vượt ra ngoài khả năng của Macbook. Đó mới là lúc nên cân nhắc việc nâng cấp. Đầu tư lúc này mới giá trị.
Qua đó, các bạn có thể thấy chỉ bằng vài thao tác nho nhỏ, bạn có thể tránh được một quyết định đầu tư sai lầm: nâng cấp máy khi không thực sự cần thiết.



 
Bài viết cùng danh mục